Với mình, mình sẽ chia các nguồn lực mà các mentors mang lại theo hai hạng mục: (1) nguồn lực nền tảng; (2) nguồn lực chi tiết. Nguồn lực nền tảng bao gồm các kiến thức và tài liệu hướng đến việc phát triển bản thân (ví dụ tài liệu về Design Thinking), áp dụng được lâu dài và trong nhiều tình huống, nhiều học bổng. Nguồn lực chi tiết bao gồm các nhận xét, feedback của mentors cho từng học bổng. Đối với từng hạng mục, mình sẽ có cách xử lý khác nhau một chút, nhưng điểm chung là mình sẽ cố gắng “biến cái của mentors thành cái của mình” bằng việc chiêm nghiệm và thực hành.
Đối với nguồn lực nền tảng
Khi mentor hướng dẫn cho mình một kiến thức nào đó mà mình thấy có thể áp dụng lâu dài, mình sẽ tự nhiên thấy tò mò và muốn tìm hiểu thêm về nó. Ví dụ, khi nhận được tài liệu về Design Thinking, ngoài việc đọc kỹ tài liệu đó, mình sẽ tìm đọc thêm trên internet về Design Thinking. Mình tìm hiểu xem những người khác nói như thế nào về nó và các tình huống mà nó có thể áp dụng được. Sau đó, mình sẽ ghi chú lại vào iPad của mình, có thể là một mind map hoặc đơn giản chỉ là những dòng ghi chú. Kiểu học mà mình thích là ghi chép. Ghi chép với kỹ thuật Active Recall giúp mình nhớ thông tin lâu hơn, và ghi chép mà sử dụng chính những từ ngữ của mình để nói về vấn đề đó (chứ không phải copy paste y nguyên từ tài liệu) cũng giúp mình tự đánh giá xem mình đã thực sự “thẩm thấu” được thông tin đó hay chưa. Dụng cụ mà mình chọn là iPad, vì nó tiện lưu trữ và tra cứu, nhưng dĩ nhiên đây chỉ là một lựa chọn cá nhân.
Một khi đã ghi chú rồi, mình sẽ xem có cơ hội nào để chia sẻ lại những gì mình được học hay không. Ví dụ, mình đang là mentor cho các bạn sinh viên, thì mình có thể chia sẻ lại Design Thinking để hỗ trợ các bạn này như thế nào.
Cuối cùng, mình sẽ cố gắng vận dụng điều đã được học vào thực tế, có thể là áp dụng vào dự án đang làm, hoặc vào việc tư duy về bài luận học bổng.
Đối với nguồn lực chi tiết
Một ví dụ điển hình cho nguồn lực chi tiết là các comments của mentors khi sửa bài luận học bổng cho mình. Nhìn chung, mình sẽ đọc kỹ các comments đó, cố gắng hiểu lý do tại sao mentors sửa chỗ đó. Nếu mình còn gì chưa rõ hay chưa đồng tình (vì mình nghĩ rằng mình không nhất thiết phải đồng tình 100% với mentors ở tất cả các tình huống), mình có thể trao đổi lại với mentors. Việc trao đổi với mentors, theo mình là rất quan trọng, vì thường thì mentors chỉ trao đổi với mentee qua các comments trong bài luận, nhưng mình tin rằng có nhiều điều sâu hơn thế nữa mà có thể chưa được làm rõ. Ví dụ, nếu mình diễn đạt chỗ nào đó trong bài luận mà chưa cảm thấy chắc chắn lắm là người đọc hiểu được ý mình và muốn nhờ mentors xem xem mình diễn đạt như vậy đã rõ hay chưa, thì mình có thể tự comment vào đó trước khi gửi bài cho mentors là: “Ý của em là ABC, nhờ các chị xem giúp em chỗ này em diễn đạt như vậy đã rõ được ý đó chưa ạ?” Hoặc khi mentors comment sửa bài nhưng mình không rõ lắm tại sao lại sửa như thế (vì lỡ đâu lý do của nó là một yêu cầu rất quan trọng của học bổng mà mình bị sót, nhưng cũng lỡ đâu chỉ đơn giản là do mình diễn đạt chưa mạch lạc cho người đọc dễ hiểu), mình cũng sẽ hỏi lại mentors.
Việc chủ động giao tiếp với mentors, theo mình là vừa có thể giúp mình đánh giá được bài luận của mình tốt hơn, có cơ sở để cải thiện bài luận, vừa có thể giúp mentors hiểu mình hơn, hỗ trợ mình tốt hơn, đỡ mất thời gian của mentors khi xem bài và sửa đi sửa lại những lỗi cũ cho mình. Communication is key.
Ngoài ra, mình cũng sẽ ghi chú lại các comments mang tính “tái chế” cao, nghĩa là có thể áp dụng cho các học bổng khác, vào một file ghi chú (app ghi chú nào đó bất kỳ). Ví dụ, việc áp dụng mô hình STAR khi đưa examples hay mô hình PEEL khi triển khai đoạn văn là một việc mình có thể áp dụng cho nhiều bài luận.