Table of Contents
Self-leadership: Lãnh đạo bản thân mình trước khi lãnh đạo người khác
Nhìn lại bản thân, việc chúng ta tự bảo bản thân mình cần sống lành mạnh, làm việc chăm chỉ, bạn đã làm theo chưa? Nếu ta còn chẳng nghe theo lý tưởng của bản thân mình thì sao người khác phải nghe theo?
Việc có thể tự dẫn dắt bản thân vượt qua những khó khăn, trở ngại để trở thành một phiên bản tốt hơn là lãnh đạo bản thân. Và mình nghĩ đó là điều đầu tiên người ta cần nghĩ đến trước khi nghĩ đến việc dẫn dắt một tập thể. Lãnh đạo bản thân (self-leadership) gồm có 3 khía cạnh: Tự nhận thức (Self-awareness), tự học (self-learning), và tự điều chỉnh (self-regulation).
Self-awareness
Self-awareness – Tự nhận thức là tập trung, suy ngẫm về các quá trình tâm lý và diễn biến nội tâm của bản thân qua việc bạn trải nghiệm, khám phá thế giới bên ngoài. Từ đó nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, cũng như niềm đam mê thực sự của mình. Điều này thể hiện ở việc bạn biết mình hiện tại là ai và mình muốn trở thành người thế nào. Đây là không phải là việc dễ dàng, nhưng khi bản thân không ngại thử thách, dám xông pha, luôn trải nghiệm thì rồi một ngày chúng ta sẽ hiểu bản thân mình hơn. Việc tự nhận thức bản thân có thể từ những việc rất vặt vãnh như bạn hợp với phong cách ăn mặc nào, bạn thấy mình đẹp và tự tin nhất với màu son, kiểu tóc nào… cho đến những điều trừu tượng và lớn lao hơn – Sứ mệnh của bạn trong cuộc đời này là gì?
Self-regulation
Self-regulation – Tự điều chỉnh, là khả năng điều chỉnh và kiểm soát hành vi, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân một cách tự do và hiệu quả. Nó là một kỹ năng quan trọng để có thể sống độc lập, đáp ứng được các yêu cầu và thách thức trong cuộc sống, đồng thời tăng cường khả năng chịu đựng và giảm căng thẳng, đặc biệt với thế giới đầy cám dỗ như ngày nay. Ví dụ, khi nổi nóng, bạn biết kiềm chế lại để không có những hành động sai lầm hay nói nhiều điều khiến người khác tổn thương. Khi bạn học tập và làm việc trước những “cám dỗ” đầy hấp dẫn với bao thú vui ngoài kia, bạn biết cách “giữ mình” mà tập trung làm việc. Hoặc khi bạn biết làm sao để tự đứng dạy sau mỗi lần vấp ngã. Bởi vì bạn chính là người chịu trách nhiệm cho cuộc đời bạn. Chúng ta không phải cô Tấm cứ ngồi khóc rồi Bụt sẽ hiện lên. Chúng ta khóc xong, biết tự lau nước mắt và đứng dậy làm lại từ đầu.
Self-learning
Self-learning – Tự học, một điều vô cùng quan trọng. Mình nhớ hồi ở nhà, từ khi mình còn mới vào lớp 1, sáng mùa đông trời rất lạnh, mẹ mình gọi dạy để đi học. Buổi sáng ở khu nhà mình có tiếng chim như sáo. Mình cũng chẳng biết đó là chim gì (hình như là chim tu hú), chỉ biết sáng nào nó cũng lặp lại tiếng kêu với nhịp điệu đều đều 10 tiếng hú, lặp đi lặp lại. Mẹ mình bảo “Con chim nó nói rằng – Tuổi trẻ cần phải học. Học, học nữa, học mãi”. Con chim còn ngắt đúng 2 câu, mỗi câu 5 tiếng như câu của mẹ mình luôn. Mình không rõ đó là điều mẹ mình nghĩ ra để kéo mình dậy đi học, hay chú chim ấy muốn nói với mình thật, nhưng đúng là 12 năm học phổ thông, sáng nào mình thức dậy cũng nghe thấy tiếng chim ấy. Ngay cả khi sau này, không còn đến trường nữa, và cũng không ở nhà nữa. nhưng tiếng chim ấy vẫn khắc sâu trong tâm trí mình, và nhắc mình về việc học suốt đời.
Thực ra, mình nghĩ học ở trường không bao giờ đủ. Thế hệ mình lớn lên với những lớp học thêm và lò luyện thi đại học. Học trên lớp rồi về nhà vẫn phải làm bài tập về nhà. Kiến thức toán lý hóa văn sử địa ngoại ngữ, cũng chỉ là một phần cái chúng ta cần học. Chúng ta còn phải học về cách sống, về nhân sinh, về thế giới, về con người, thậm chí là học những điều “ngoài thế giới”. Cuộc đời mỗi người đều phải đối mặt với những bài toán của riêng mình, nơi chẳng có người thầy nào cho trước bài mẫu, chúng ta chỉ có cách tự học cách giải quyết mà thôi. Nói về tự học, mình giới thiệu cuốn “Tôi tự học” của Thu Giang Nguyễn Duy Cần là đầy đủ nhất rồi. Viết nữa cũng chỉ thấy mình mình không sâu sắc bằng tác giả, mời bạn đọc sách mình đã để link.
Tập trung nâng cao tri trức không chỉ để bản thân trở thành người tài trí mà nhìn từ bên ngoài, người có trí thức thường có khí chất (hay còn gọi là thần thái). Dù họ là người không thích nói nhiều, thích quan sát, nhưng một khi đã nói thì đều có chất lượng. Tạo hóa cho chúng ta có đôi mắt, đôi tai nhưng chỉ có một cái miệng mà thôi, vậy nên phải nhìn thật kỹ, nghe thật tinh, và không cần nói nhiều. Vậy nên, thể hiện khả năng lãnh đạo không có nghĩa là phải nói nhiều, thể hiện quá lố, bởi từ thiên hạ đã hiểu rõ “Thùng rỗng kêu to”. Mình luôn thán phục những người có tài nhưng điềm đạm, khiêm tốn hơn là nói nhiều hay nổ nhưng chẳng làm gì.
Self-leadership, 3 khía cạnh, cái nào cũng khó và thử thách cả. Mình nghĩ rằng, điều đầu tiên chúng ta có thể thay đổi được đó là thay đổi bản thân mình trước khi khiến thế giới này thay đổi theo cách chúng ta muốn.
Vậy leadership / lãnh đạo là như nào?
Có lẽ bạn đã nghe câu “đời thay đổi khi ta thay đổi” đến ngàn lần rồi. Nghe nó có vẻ nhàm chán, nhưng nó đúng. Xây dựng gốc rễ từ bên trong bản thân mình rồi là lúc chúng ta hành động để tạo ra những điều tích cực cho thế giới bên ngoài. Bởi tri thức, ước mơ, lý tưởng, hoài bão, đam mê chỉ giữ cho riêng bạn thì cũng chẳng để làm gì. Với mình, quan điểm về leadership không phải là “chỉ bảo” người khác làm này làm kia. Mình không thích sự phân biệt tầng lớp, cấp trên cấp dưới mà mình thích gọi nhau là những người đồng hành. Lãnh đạo một tập thể là tạo nên cảm hứng để những người đồng hành cùng mình phát huy hết tiềm năng của họ, để chúng ta cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung.
Mình cũng học rất nhiều từ mẹ mình. Mình có một người bạn thân, khi nói chuyện với về gia đình, mẹ cậu ấy Làm “sếp” rất to, còn mẹ mình thì không phải “sếp” của ai cả vì thay vì tập trung cho công việc, mẹ mình đã tập trung chăm lo cho gia đình. Nhưng sau lần nói chuyện với người bạn đó về những điều mẹ mình làm, tự nhiên mình thấy mẹ mình rất “ngầu” và mình cũng thấy hãnh diện hơn về những điều mình học được từ gia đình. Trong khi người ta thường nói về sự tranh đấu của bản thân để đạt được vị trí cao, mẹ mình vẫn nói với mình về việc giúp người khác đạt được vị trí mà họ xứng đáng. Và dù khi giúp người khác, chúng ta cũng chẳng mong cầu gì, nhưng những nhận lại rất ý nghĩa và bền vững. Đôi khi thấy người mình giúp đỡ trở nên thành đạt, sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều so với việc bạn một mình đứng trên đỉnh cao.
Quan điểm về lãnh đạo này không phải tự mình nghĩ ra, mà mình đã học được trong suốt 4 năm trưởng thành từ học bổng Chevening. Mình luôn ghi nhớ một câu nói của diễn giả trong buổi Chevening Orientation.
“To find the best in others; to leave the world a little bit better; to know that one life has breathed easier
because you have lived. That is to have succeeded”.
————————————
Bài viết được trích từ Blog của Founder Nguyễn Phương Anh: https://callmeviolet.com/mot-y-niem-khac-ve-leadership/