Table of Contents
Chuẩn bị tinh thần
1/ Nếu bạn có dự định giành học bổng đi học, bạn cần có một cái deadline, đừng chần chừ nữa, làm đi.
Nếu việc đi du học này không có tác dụng gì cho tương lai của bạn thì đừng bận tâm làm gì, bạn không cần phải đi du học chỉ để giống ai đó. Cuộc đời quá ngắn để sống một cuộc sống của người khác.
2/ Mình cũng nhận được câu hỏi là “Biết thông tin học bổng ở đâu?”. Đó là câu hỏi mình không muốn trả lời nhất. Đừng đặt câu hỏi như vậy khi bạn chưa bao giờ gõ hai từ “Học bổng” lên Google. Và khi chưa làm động tác này bao giờ thì có lẽ bạn không cần học bổng chút nào đâu.
Nếu như không tự tay làm mà đã nghĩ là khó, đã thấy nàn và có những suy nghĩ tiêu cực như kiểu mình ở trên..thì thực ra tất cả những gì bạn làm đều chỉ là đoán mò. Và khi bạn đang hoài phí thanh xuân cho việc đoán mò thì người khác đang nỗ lực.
3/ Sẵn sàng đón nhận sự thay đổi và những điều mới mẻ. Biết đâu thay đổi là một cơ hội tốt.
4/ Nếu hôm nay gặp chuyện buồn, mất đi thứ gì đó hay bạn cảm thấy mình xui xẻo, thì kệ đi. Có một câu nói đại loại là “Sometimes not getting what you want is a wonderful stroke of luck”. Vậy nên cứ mỗi lần xui xẻo hay không đạt được những thứ mình muốn, mình lại tự nói với bản thân mình là “Chi là cuộc đời đang dành cho mình một thứ tốt đẹp hơn ở phía sau” (và mình thể là nó đúng cực). Vậy nên, tất cả những chuyện buồn, không hài lòng hay những tổn thương chỉ là động lực cho mình tiếp tục cố gắng.
4/ Giữ hi vọng, khiêm tốn nhưng tự tin vào bản thân mình nhiều chút. Chuyện phải nghe một vài người nói những điều khiến bạn buồn và nản lòng sẽ rất nhiều. Nếu điều đó không có giá trị để bạn tốt hơn thì bỏ đi. Rồi một ngày bạn bận túi bụi chuẩn bị cả đống thủ tục bắt đầu cuộc sống mới, thì đâu còn thời gian bận tâm ai nói gì.
Chọn trường chọn ngành
Phần này mình không có gì khác ngoài google cả. Tuy nhiên có nhiều bạn hỏi quá nên mình bổ sung thêm phần này. Nhiều người nói rằng, Chevening cần những ngành độc mới dễ đỗ. Mình cũng không chắc lắm, vì nhiều anh chị vẫn học Tài chính, MBA, Kinh doanh quốc tế cũng toàn ngành khá nhiều người chọn cả.
Với trường hợp của mình, mình học hàng không, một ngành mà khi sang UK nhiều bạn còn nhìn mình với mắt chữ O mồm chữ A vì ít người học. Người học Transport Management thì nhiều nhưng Air Transport Management (một nhánh nhỏ trong Transport Management) thì không nhiều. Nhưng khi đi học thì mình vẫn học quá nhiều. Mình học cả về sân bay, quản trị không lưu, chính sách hàng không. Trong khi đó cái mình muốn học chỉ là quản trị một hãng hàng không, nên nếu có tìm được khóa hẹp hơn kiểu Airlines Management mình apply ngay.
Các bạn sẽ nghĩ là học ngành rộng về dễ xin việc, nhiều cơ hội việc làm hơn. Nhưng theo mình, ngành càng hẹp càng chứng tỏ bạn hiểu rõ bản thân mình cần gì và tương lai bạn sẽ làm gì. Và đó chính là một trong những yêu cầu của Chevening.
Ngành học phù hợp với công việc của bạn đang làm, đóng góp trực tiếp cho kế hoạch tương lai của bạn, điều đó sẽ dễ dàng hơn cho bạn khi trả lời 2 câu hỏi đầu tiên (kế hoạch tương lai, và tại sao bạn chọn 3 trường bạn liệt kê trong hồ sơ).
Viết hồ sơ
Phần này quyết định 99,99% sự thành bại của bạn nên hãy đầu tư cho nó với tất cả tâm trí, trái tim và khối óc. Các bước để viết hồ sơ theo kinh nghiệm của mình đại loại là: Bản nháp — Sửa lần 1 — Sửa lần 2 … Nhờ ai đó đọc và nhận xét — Lại sửa — Sửa tiếp → Sửa lại ….. Kinh nghiệm viết hồ sơ mình đã chuẩn bị hồi đại học. Mình đã trượt rất rất rất nhiều lần. Chính xác hơn là từ hồi đại học mình đã apply rất nhiều các chương trình trao đổi/ hội nghị ở nước ngoài. Kết quả chỉ duy nhất 1 lần đỗ.Vậy nên đừng nản lòng. Nếu bây giờ chưa may mắn, chắc chắn một cơ hội rất lớn đang chờ bạn ở phía trước.
Khi bắt đầu viết hồ sơ, bạn sẽ rất hay search hoặc xin bài luận của người đi trước. Theo kinh nghiệm của mình thì đó là sai lầm lớn. Khi đọc bài viết của người khác, bạn sẽ có 1 trong 2 khả năng. Một là bài luận mẫu quá xuất sắc với nhiều thành tích, bạn tự hỏi làm sao mà mình có nhiều thành tích thế. Nó khiến bạn dễ nản lòng. Hai là, bài viết khá đơn giản và bạn nghĩ “ôi chỉ cần thế này thôi”. Và bạn sẽ ko đào sâu suy nghĩ nữa. Và copy là điều tệ hại nhất có thể xảy ra.
Khi đọc bài mẫu, bạn sẽ tự nhất tư duy của mình trong mấy ngàn từ của người khác, tự giới hạn sự sáng tạo của mình. Điều đó chỉ làm bạn thêm khó khăn. Kinh nghiệm suốt ngày đọc văn mẫu hồi đi học của mình cho biết. Viết luận mình thấy rất khó. Mình đã draft những bản đầu tiên dài đến 1000 chữ tạp nham nội dung rồi sửa lại dần dần, cắt gọt dần. Vậy nên mình rất xin lỗi phải từ chối khi có bạn hỏi bài luận của mình. Hay thậm chí có người hơi “cực đoan”. “Đọc xem ý thôi ai copy đâu mà keo kiệt thế?” . Mình không thể gửi được. Thực ra thì “cái ý” là cái bạn không nên xem bởi mỗi người là khác nhau.
Theo thông tin các bạn Chevening chia sẻ thì có 66.000 hồ sơ và có 2.9% được chọn phỏng vấn. Nên cái cần có là sự khác biệt chứ không phải xem người đỗ có gì để mình làm theo. Hai nữa là, bài luận đôi khi có những cái riêng tư, không tiện chia sẻ. Bạn đừng quan tâm đến người khác viết gì, mà hãy nghĩ xem mình có gì để có thể đưa vào bài. Để xây nhà bạn phải xây từ cái móng. Xây nhà rất khó và lâu nhưng bạn sẽ chẳng có gì nếu không bắt đầu từ viên gạch đầu tiên.
1/ Điều bạn cần hơn là một người đọc bài và giúp bạn nhận xét một cách khách quan. Mình đã nhờ bạn thân đọc bài luận mặc dù họ không có kinh nghiệm viết hồ sơ. Tuy nhiên, đó là những người đã ở cạnh mình từ hồi đại học nên hiểu rõ mình như thế nào và cần gì. (Cũng may là mấy đứa apply cùng nhau và đều đỗ :D) Tìm một ai đó bạn tin tưởng để cùng bạn cố gắng. Ai đó sẽ động viên bạn những lúc nàn chỉ và sẽ ôm bạn thật chặt trước ngày lên đường.
2/ Điều quan trọng nhất bạn phải hiểu bản thân mình và có kế hoạch dài hạn cho bản thân. Một điều rất kỳ cục là rất nhiều lần nói về vấn đề kế hoạch tương lai của bản thân, ước mơ, mục tiêu cuộc sống… mình lại nhận được những câu “nói đùa”, thậm chí cười cợt. Buồn cười lắm sao, buồn cười chỗ nào vậy?
“Thiếu vắng những kế hoạch đầu tư dài hạn cho tương lai sẽ khiến bạn dễ dàng an phận thỏa hiệp và đánh mất đi lòng quả cảm từng có ngày tươi trẻ… Không cần biết bạn bao nhiêu tuổi, cô gái ngày ấy vẫn luôn ở trong bạn…”
3/ Sử dụng 500 từ của bài luận một cách hiệu quả. Hãy nói những điều bạn nghĩ, nói về bản thân bạn, đừng nói những điều lý thuyết hay triết lý xa xôi. Mọi thứ ở sẵn trong người rồi. Hãy nói ra bằng cả sự chân thành không cần dùng lời lẽ hoa mỹ.
4/ Làm giàu những trải nghiệm của bản thân, đừng ngại học hỏi từ người khác. Có những chuyện người ta nói làm chỉ tốn thời gian, nhưng thực ra những trải nghiệm rất có giá trị với mình. Mọi người sẽ hỏi mình làm lắm thứ linh tinh để làm gì? Để một ngày có cơ hội sẽ dùng đến thôi. Hôm trước xem Sharktank, Shark Linh nói một câu nghe trí lý.
“May mắn là khi sự chuẩn bị gặp câu hỏi”
Nếu bạn trải nghiệm đủ nhiều, chuẩn bị đủ kỹ, khi câu hỏi đến có cái lôi ra dùng. Đó là khi bạn gặp may mắn. Một trong những cuốn sách mình thích nhất là “Triệu phú khu ổ chuột”. Bạn có biết tại sao một cậu bé lớn lên trong khu ổ chuột Ấn Độ không được đi học lại người đầu tiên trả lời hết các câu hỏi trong “Ai là triệu phú”?. Ngoài ra, mình còn nghĩ, càng nhiều trải nghiệm, bạn càng trở nên thú vị hơn.
Hôm đi du lịch, đứa bạn mình bị 1 con khỉ trên đảo giật mất chai nước. Nghe ngốc nghếch nhỉ, nhưng nó bảo sau này nó sẽ có chuyện kể với con cháu. Tất nhiên chuyện đó hay ho hơn chuyện “hồi trẻ bà suốt ngày ngồi nhà, chưa gặp khỉ bao giờ”. Và những điều viết trong hồ sơ xin học bổng cũng đều là viết về bản thân mình. Bài luận hay được viết bởi một con người thú vị.
Có một từ tiếng anh mình rất thích đó là “Credo”. Hiểu nôm na đó là từ dùng để nói lên bạn là ai nếu không kể các chức danh, tài sản … Bạn tự hỏi khả năng lãnh đạo ở đâu khi chỉ là nhân viên mới trẻ nhất công ty? bạn tự hỏi khả năng networking (mở rộng mạng lưới) thế nào khi mình mình chẳng phải người quảng giao? Công việc văn phòng không có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều người. Bỏ đi những chức danh hào nhoáng, mình nghĩ đó là điều bạn nên thể hiện trong bài luận 500 từ – CREDO.
Bạn có thể kể ra hàng ngàn thành tích, điểm cao, bằng cấp để thể hiện rằng mình giỏi thế nào. Thực ra, thế giới này rộng lớn (Việt Nam cũng rộng lắm mà), người giỏi thì đầy. Nhưng mà người đặc biệt chỉ có duy nhất mà thôi.
Và bạn phải biết mình đặc biệt ở chỗ nào.
Hiểu bản thân mình và biết mình muốn gì, cần gì là điều quan trọng hơn cả.
Bài viết được trích từ Blog chia sẻ kinh nghiệm của Founder Nguyễn Phương Anh, đỗ học bổng Chevening 2018-2019
Bài viết gốc: https://callmeviolet.com/kinh-nghiem-apply-hoc-bong-chevening/